"Khuyến học" và bài học cho giới trẻ Việt.
"Trời không tạo ra người đứng trên người và
cũng không tạo ra người đứng dưới người.
Tất cả do sự
học mà ra"
‘Khuyến học’ là một cuốn sách rất hay
do Fukuzawa Yukichi viết trong những năm 1872-1876. Nó được đánh giá là tác phẩm
có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Và cho dù đã hơn một thế kỷ
từ khi được ra mắt, “Khuyến học” vẫn luôn chiếm vị trí trang trọng trên kệ sách
gia đình của người Nhật bản. Được phát hành hơn 3 triệu bản ngay lần đầu tiên
và tái bản 76 lần, ngày nay, ‘Khuyến học’ vẫn là tài liệu đầy chất thời sự cho
những đất nước, những con người muốn đạt đến văn minh bằng giáo dục. Thật dễ hiểu
tại sao đây lại là cuốn sách mà “ông vua café” – Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập
đoàn café Trung Nguyên khuyên thế hệ trẻ Việt Nam nên đọc.
Còn nói về Fukuzawa Yukichi, khi nhắc
đến ông, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như bậc “khai quốc
công thần” của nước Nhật hiện đại. Ông được ví như “Voltaire (Vôn tê –
triết gia, đại thi hào người Pháp) của Nhật Bản” hình ảnh ông được in trên tờ
tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ 10.000 yên.
Đọc ‘Khuyến học’ ta có cảm giác mình
đang được sống trong đất nước Nhật Bản cuối thế kỷ 19. Tác giả đã không ngần ngại
đưa vào trang sách của mình những “ung nhọt” của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.
Chế độ thì cổ hủ, quan chức thì tham nhũng, người dân thì ăn chơi sa đọa còn học
sinh sinh viên thì lười biếng… Cuốn sách có 17 chương, đề cập đến những vấn đề
mà xã hội Nhật đang phải đối mặt và phải vượt qua để có thể trở thành cường quốc,
từ cách học làm người cho đến các vấn đề dân tộc, lợi ích của giáo dục, khoa học,
quyền tự do bình đẳng và quan hệ giữa chính quyền với người dân, cách tiếp thu
văn minh phương Tây.
Cuốn sách không phải là kim chỉ nam,
càng không phải là lời giải đáp, hay các phương án cho những vấn đề của xã hội
Việt Nam hiện nay. Nó có lẽ chỉ đơn giản là một cách thức khơi gợi suy nghĩ, tự
suy nghĩ. Để mỗi người nhất là các bạn trẻ tự theo đuổi những mục tiêu cuộc đời
mình, nhằm không chỉ đem lại tương lai tốt đẹp cho bản thân, mà hơn thế, từ sự
chuyển mình của nước Nhật, hy vọng mỗi người Việt trẻ sẽ nghĩ đến tương lai đất
nước mình.
“Trời không sinh ra người đứng trên
người cũng không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả do sự học mà ra”. Đây được
xem là tuyên ngôn của Fukuzawa Yukichi khi nói về tầm quan trọng của học vấn.
Ông viết : “…cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó
là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn,…. Sự khác nhau giữa người
thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi”. Thực tế ở Việt
Nam cho thấy, giới trẻ đang không hiểu được tầm quan trọng của của học vấn, và
vì không coi trọng sự học nên nhiều bạn trẻ học hành chểnh mảng, phung phí thời
gian, tiền bạc, sức khỏe vào các cuộc chơi, vào các tệ nạn xã hội. Có thể nói vấn
đề mà giới trẻ của Việt Nam mắc phải chính là vấn đề của giới trẻ Nhật Bản hàng
trăm năm trước. Vậy họ đã làm gì để vượt qua thực trạng đó? Tất cả gói gọn
trong một chữ: “học”, nhưng học những gì? Ban đầu, nên học từ những môn cơ bản
nhất như học soạn thảo thư từ, học cách cân đo đong đếm, học các môn Đạo đức, học
cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người rồi mới đến các
môn Địa lý, Lịch sử, Vật Lý, vv…Học trên trường không đủ thì học qua sách báo…
Việc học phải đi đôi với thực hành chứ không dừng lại ở lý thuyết suông. Bản chất
của việc học phụ thuộc vào khả năng ứng dụng. Có học vấn mà không ứng dụng được
vào thực tế thì chẳng khác gì vô học. Một điểm rất hay ở Yukichi là ông đề cao
“học thực”, nghĩa là học để lấy kiến thức, phát triển bản thân chứ không phải
vì bằng cấp, địa vị, tiền bạc… Một quan điểm trái ngược với Nho giáo khi ông
cho rằng giáo dục Nho giáo “chỉ đào tạo ra một giai cấp trí thức học ra để làm
quan chứ không phải để giúp đời”.
Ông kịch liệt phê phán những người
“còn trẻ mà lại muốn lựa chọn công việc an nhàn” mà quên mất rằng cái gì càng
khó đạt được thì càng quý trọng, càng khó kiếm thì càng có giá trị cao. Xét thấy
sinh viên Việt Nam ngày nay có xu hướng tránh né việc khó, tìm việc dễ. Môn nào
khó thì bỏ, những môn dễ thì lại hời hợt, chủ quan. Cứ tiếp diễn sẽ trở
thành xu hướng, trào lưu trong xã hội và cuối cùng thì đáp ứng được trình độ
các công ty trong nước còn khó huống chi là theo kịp sinh viên toàn cầu về mặt
kiến thức. Đây cũng có lẽ là lý do tại sao mà tỷ lệ sinh viên nước ta ra trường
làm trái nghề và thất nghiệp luôn rất cao. Thay đổi thực tế này không khó. Chỉ
cần thế hệ trẻ luôn giữ được tinh thần quyết tâm, không ngại khó, suy nghĩ
khách quan mọi sự vật, ngày đêm rèn dũa và tích lũy thực lực bản thân. Cứ như vậy
chắc chắn sẽ có ngày đạt được thành công.
Như đã biết, văn hóa Việt Nam và Nhật
Bản có khá nhiều sự tương đồng cả trong quá khứ và hiện tại nên việc áp dụng những
lời khuyên của Yukichi vào Việt Nam thì rất phù hợp. Ngày xưa cả hai nước đều bị
ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, còn ngày nay là văn hóa phương Tây. Nhận thức
được điều đó, ông khuyên thế hệ trẻ cần rèn luyện năng lực phán đoán, năng lực
lựa chọn: tin cái gì và nghi ngờ cái gì? Có những tập quán tốt đẹp ở
phương Tây nhưng khi về Việt Nam chưa chắc đã phù hợp. Văn minh phương Tây đúng
là hơn hẳn Việt Nam, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo. Văn
minh phương Tây cũng đầy rẫy khuyết điểm và ngược lại không phải phong tục nào
của Việt Nam cũng cổ hủ, kém cỏi. Vì vậy, việc phân biệt cái gì tốt cái gì xấu
lại càng trở nên quan trọng.
Tóm lại, Khuyến học được đánh giá là
cuốn sách phù hợp nhất đối với những vấn đề mà xã hội Việt Nam và cách riêng là
thế hệ trẻ đang gặp phải. Tuy mới ra mắt ở VN vào quý ii năm 2014 nhưng nó đang
được tầng lớp trí thức trẻ của Việt Nam sử dụng rất nhiều, thậm chí “Vua café”
Đặng Lê Nguyên Vũ còn làm chương trình in tặng cuốn sách này cho các bạn trẻ. Từ
đó có thể thấy cuốn sách này được đánh giá cao như thế nào. Vấn đề ở đây chỉ là
làm sao để áp dụng những lời khuyên của Yukichi cho hợp lý mà thôi.
-Mắt Bão-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét