Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

LIỆU BẠN ĐÃ BIẾT BẮT TAY ĐÚNG CÁCH?

LIỆU BẠN ĐÃ BIẾT BẮT TAY ĐÚNG CÁCH?
(NGUỒN : SAGA.VN)
Bạn có biết rằng mỗi khi John F. Kennedy bắt tay với một ai đó trước công chúng, ông luôn đứng ở phía bên tay trái của các nhiếp ảnh gia? Thủ thuật này làm cho người phía bên trái trong mỗi bức ảnh đều giống như đang trong thế thượng phong. Các chuyên gia nghiên cứu những cử chỉ của J.F.K đã chỉ ra rằng ngôn ngữ cơ thể có sức thuyết phục  chính là chìa khoá giúp ông giành chức tổng thống.

Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp của mình, thì trước tiên hãy tự nhìn lại xem liệu mình đã biết bắt tay đúng cách hay chưa.


KHI NÀO CẦN BẮT TAY?
Bắt tay là một truyền thống trong màn chào hỏi và cáo biệt trong kinh doanh. Hãy bắt tay với một khách hàng, đối tác hoặc đồng nghiệp mỗi khi bạn gặp gỡ họ và trước khi chào tạm biệt. Các đồng nghiệp mà bạn gặp gỡ hàng ngày trong văn phòng là trường hợp ngoại lệ. Bạn không cần phải bắt tay với họ, trừ khi có một lý do đặc biệt, chẳng hạn như khi bạn muốn chúc mừng họ hoặc thực sự vui mừng khi gặp lại họ sau một tuần họ vắng mặt.
Đừng bao giờ để đối tác chìa tay ra mà bạn lại từ chối bắt tay họ. Nếu không, bạn gần như không có cơ hội tạo dựng lại mối quan hệ tốt đẹp với họ. Trừ khi bạn đưa ra được lời giải thích, nếu không đối tác sẽ băn khoăn không biết liệu họ đã làm gì khiến bạn tức giận.
Bạn chỉ có thể từ chối một cái bắt tay khi có một lý do chính đáng, chẳng hạn như bạn đang bị cúm hay bị viêm khớp. Trong tình huống như vậy, bạn nên đưa ra lời giải thích như: "Ông Johnson, tôi rất vui khi được gặp ông. Tôi xin lỗi vì đã không bắt tay ông. Tôi đang bị cảm lạnh và tôi không muốn lây sang ông."
AI LÀ NGƯỜI CHỦ ĐỘNG BẮT TAY?
Trong quá khứ, một người đàn ông không thể bắt tay với một người phụ nữ, trừ khi cô ấy chủ động bắt tay. Ngày nay, ít nhất là trong môi trường kinh doanh, phong tục này đã thay đổi và việc người đàn ông chủ động bắt tay là hoàn toàn chấp nhận được .
Đồng thời, hệ thống phân cấp và cấp bậc cũng là vấn đề cần quan tâm. Giả dụ bạn làm việc trong một công ty lớn và tình cờ gặp gỡ giám đốc điều hành của công ty trong sảnh. Là một giám đốc điều hành cấp cao của công ty, ông ấy nên chủ động bắt tay với người quản lý ở cấp thấp hơn.
Nếu bạn là khách tới thăm một văn phòng, ví dụ bạn đến để bán sản phẩm nào đó, thì bạn nên chờ người đại diện của công ty chủ động bắt tay mình. Với nguyên tắc tương tự, bạn nên luôn chủ động bắt tay với một khách hàng đến gặp bạn và khiến cho anh ta cảm thấy mình được chào đón trong tổ chức của bạn.

NÊN BẮT TAY NHƯ THẾ NÀO?
Theo Phyllis Davis, chủ tịch của EMCI, cách bắt tay trong kinh doanh theo phong cách cổ điển của Mỹ là:
Bạn đưa tay ra đến khi lòng bàn tay của bạn chạm vào lòng bàn tay của đối phương. Bàn tay của bạn nên hoàn toàn chạm vào lòng bàn tay của họ. Lắc tay một cách chắc chắn 3 lần. Trong khi bắt tay, hãy sử dụng tên của người đó để chào hỏi:  "Xin chào Amanda, rất hân hạnh được biết bạn!" Hãy nhớ nhìn vào mắt họ.
Phyllis cũng khuyên bạn nên nâng nhẹ lông mày của mình trong khoảng một phần sáu giây khi bắt tay. Dù chi tiết này rất nhỏ và khó nhận ra nhưng nó khiến đối tác của bạn có cảm giác rằng bạn tin tưởng anh ta. Bên cạnh đó, những cái bắt tay nên ngắn gọn và không nên kéo dài hơn bốn giây.

Bắt tay kiểu “con cá chết” - khi tay bạn cứng đờ ra, nắm hời hợt và thậm chí còn lạnh ngắt và dinh dính vì mồ hôi tay hoặc kiểu “gọng kìm” - khi bạn cố gắng siết tay họ thật chặt là những kiểu bắt tay nên tránh. Những cái bắt tay lý tưởng trong kinh doanh là một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng và thân thiện. Khi bắt tay, bạn nên sử dụng một lực vừa phải bằng lực bạn dùng để mở nắm đấm cửa.
Luôn đứng khi bắt tay. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ. Đầu tiên là nếu bạn có khuyết tật về thể chất và không thể đứng. Thứ hai là nếu bạn đang ở trong một gian hàng chật hẹp nơi bạn không thể đứng vững được. Trong trường hợp như vậy, hãy cúi nhẹ một cách lịch sự. Đặt một tay lên ngực của bạn, tự nâng mình lên một chút, và vươn lên để chủ động bắt tay.

CÁCH CHÀO HỎI Ở CÁC NƯỚC KHÁC NHAU
Nếu đến thăm một quốc gia lần đầu tiên, hãy dành thời gian tìm hiểu trước về cách chào hỏi của người bản địa. Tại Bắc Mỹ và châu Âu, một cái bắt tay chắc chắn là hình thức chào hỏi truyền thống. Tại Nhật Bản, việc cúi đầu tương đương với việc bắt tay. Mặc dù những cái bắt tay bắt đầu trở nên phổ biến ở Ấn Độ và Thái Lan, tại các quốc gia này vẫn có cách chào truyền thống khác là chắp tay ngang ngực giống như đang cầu nguyện và cúi chào.
Khi đến thăm các nước châu Á hay Trung Đông, hãy luôn nhớ phong tục nơi đây coi trọng sự nhẹ nhàng, do đó những cái bắt tay quá chặt có thể được coi là hành vi hung hăng. Ngoài ra, hãy nhớ rằng phụ nữ ở một số quốc gia Hồi giáo không bắt tay. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chờ đến khi người phụ nữ đó chủ động bắt tay bạn. Ở nhiều quốc gia Mỹ Latin và Nam châu Âu một cái bắt tay có thể được đi kèm với chạm nhẹ ở cẳng tay hoặc khuỷu tay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét